HÃY DÁM LÊN TIẾNG !
Quấy rối tình dục là vấn đề mang tính toàn cầu. Đây là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới tính – một trong những vi phạm dai dẳng nhất đến quyền con người. Vấn đề vô cùng nhạy cảm này bắt rễ từ sự mất cân bằng trong mối quan hệ quyền lực - giới tính, trong đó nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần.
Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường bất ổn, đáng sợ, thù hằn và khó chịu. Nạn nhân của quấy rối tình dục phải hứng chịu tổn thương về tâm lý, bao gồm cảm giác bị làm nhục, giảm động lực phấn đấu, mất đi sự tôn trọng bản thân mình. Bên cạnh đó, nạn nhân có thể thay đổi các hành vi: Tự cô lập mình; huỷ hoại các mối quan hệ; có nguy cơ bị mắc bệnh như mất ăn, mất ngủ, lo lắng, xấu hổ, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, thậm chí tự tử…
Nạn quấy rối tình dục xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả nông thôn và thành thị, nơi vắng người, đông người, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, trường học, công sở… Kẻ quấy rối có thể là nam hoặc nữ, có thể là người bình thường, người trí thức, có quyền lực, địa vị trong xã hội hoặc là người có tiền bạc, nhan sắc, tài năng… lợi dụng đối phương yếu thế, mất cảnh giác, đang làm việc, đang nghe điện thoại… sẽ hành động bằng nhiều hình thức như động chạm cơ thể, gởi hình ảnh, gọi điện thoại hoặc thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, cử chỉ… Kẻ quấy rối không giới hạn độ tuổi: Người lớn quấy rối người trẻ hoặc ngược lại; nam quấy rối nữ, nữ quấy rối nam, thậm chí có những trường hợp nam quấy rối nam, nữ quấy rối nữ, thanh niên quấy rối người già, người già quấy rối trẻ em…
Những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng quấy rối tình dục: Do nhận thức không đầy đủ của xã hội về tình trạng quấy rối tình dục, quan niệm rằng hành vi ôm, hôn, sờ, sàm sỡ là bình thường, khó chứng minh, chỉ khi hiếp dâm thì mới gọi là quấy rối tình dục. Xuất phát từ suy nghĩ lạc hậu, định kiến giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ; nạn nhân thường giấu kín, ngại công khai vì sợ ảnh hưởng đến cá nhân, không dám phản kháng hoặc tố cáo. Chưa có điều luật quy định chế tài xử phạt hành vi quấy rối tình dục riêng; xử lý hành chính số tiền quá thấp… Đó là nguyên nhân nạn quấy rối tình dục vẫn thường xuyên xảy ra.
Dưới góc độ của văn hoá, chuyện xâm hại tình dục không phải bây giờ mới có, trước kia cũng có và bây giờ cũng có. Tuy nhiên do sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội mà giờ đây người ta được biết đến nhiều hơn. Tốc độ lan truyền quá lớn của thông tin khiến chúng ta tiếp nhận dễ dàng hơn và thấy sốc trước số lượng các vụ việc xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
Trước đây các nạn nhân cũng không dám nói và lên tiếng vì xấu hổ, vì cái tôi cá nhân chưa phát triển đến mức người ta có thể lên tiếng với những vấn đề liên quan đến danh dự và nhân phẩm của mình. Đúng vậy, hầu hết nạn nhân chọn cách im lặng thay vì lên tiếng, vì thế mà vấn nạn này đến bay giờ vẫn là những tảng băng chìm.Điều này không chỉ ở các bạn trẻ mà có cả những phụ nữ đã 60 tuổi cũng ngại nói những chuyện riêng tư của mình vì họ cho rằng nói ra cũng… chả được gì!
Kể lại trải nghiệm tấn công và QRTD với người thân đã mang lại cảm giác nhục nhã cho nạn nhân, nói gì đến công khai cho cả một cộng đồng. Nạn nhân của QRTD và tấn công tình dục ở tuổi trưởng thành hoặc bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ có xu hướng cảm thấy hổ thẹn về bản thân, vì là con người, chúng ta muốn tin rằng mình có quyền kiểm soát những gì xảy đến với mình. Khi việc trở thành nạn nhân thách thức quyền lực cá nhân đó dưới bất kỳ hình thức nào, ta cảm thấy bẽ bàng và nhục nhã. Chúng ta tin rằng mình có thể tự bảo vệ mình. Và khi cơ thể bị xâm hại, ta cảm thấy bất lực. Sự bất lực này gây ra cảm giác xấu hổ do tác động từ người khác — dẫn đến sự hổ thẹn, chính là những đánh giá tiêu cực về bản thân.
Việc trách cứ bản thân thường dễ dàng hơn là thừa nhận rằng bạn là nạn nhân và bị người khác chế ngự. Là con người, chúng ta muốn tin rằng mình kiểm soát được cuộc sống của chính mình. Khi một điều gì đó xảy ra nhắc nhở chúng ta rằng thực ra không phải lúc nào mình cũng kiểm soát được tình hình, con người sẽ suy sụp. Suy sụp đến nỗi ta thấy tự trách bản thân còn dễ dàng hơn việc chấp nhận rằng mình hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến sự kiện đó.
Cuối cùng, họ tự thuyết phục rằng họ là nạn nhân duy nhất của kẻ quấy rối hoặc lạm dụng tình dục. Thông thường, chỉ sau khi những người khác lên tiếng rằng họ cũng bị lạm dụng bởi cùng một thủ phạm, nạn nhân mới nhận ra rằng họ đang đối phó với một kẻ lạm dụng hàng loạt hoặc ấu dâm.
Vụ việc một ca sĩ bị vũ công Phạm Lịch lên tiếng tố cáo quấy rối tình dục đã từng làm "dậy sóng" dư luận. Đây chỉ là một trong số ít nạn nhân dám lên tiếng để đưa sự thật ra ánh sáng, còn rất nhiều người đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều chỉ biết… âm thầm chịu đựng. Hay tại một cuộc tọa đàm có tựa đề "Chống QRTD nơi làm việc" do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc Gia Hà Nội) tổ chức trước đây, các bạn nữ khi được hỏi sẽ làm gì khi bị quấy rối tình dục nơi làm việc hầu hết đều trả lời rằng sẽ im lặng vì lo mất việc; số ít cho biết ban đầu lên mạng xã hội facebook để chia sẻ cảm xúc cá nhân, nhưng không nói thẳng, nếu bị quấy rối ở mức độ nghiêm trọng hơn sẽ xin nghỉ việc chứ không đủ can đảm để tố cáo.
Không chỉ ở trong nghệ thuật, công sở mà còn ở trường học – nơi mà học sinh được dạy dỗ là phải trở thành người công dân tốt vậy mà vẫn xuất hiện những hành vi đáng sợ như hiếp dâm, quấy rối tình dục. Các học sinh nữ ngày nay phải đối mặt với sự bắt nạt ở trường — không phải theo cách con trai bắt nạt con trai — mà là cách các chàng trai nhận xét về bộ phận sinh dục, vòng ba và bộ ngực. Trong các trường học, các học sinh nam thường xuyên đuổi theo các cô bé, chộp lấy vòng ba hoặc ngực của các cô bé rồi chạy đi. Điều này thật đáng sợ đối với các bạn nữ và cũng làm lệch lạc tư duy trưởng thành của các học sinh nam.
Vậy còn nơi nào an toàn? Nếu chúng ta còn không lên tiếng những hành vi đó sẽ càng diễn ra, đáng sợ hơn khi nó diễn ra trong âm thầm. Hãy mạnh mẽ lên tiếng tố giác hành vi quấy rối tình dục vì khi và chỉ khi có người lên tiếng thì chúng ta mới bảo vệ được nhưng người đã đang và có thể là nạn nhận của tệ nạn này.
BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ!!!
HÃY DÁM LÊN TIẾNG!!!
Chia sẻ cảm nhận của bạn nhé!